Theo ông Liên, hơn 1.000 văn bản trong số này có nội dung trái pháp luật. Một số đã được chính các cơ quan đơn vị xử lý. Tỉ lệ phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm: năm 2007: 21%, 2008 24,9%, 2009 33,54%, 2010 19,24%, 2011 là 29,31%.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác xây dựng các văn bản pháp luật vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm tình trạng luật, nghị định chờ văn bản hướng dẫn. Vẫn còn tình trạng thẩm định, góp ý chỉ mang tính pháp lý thuần túy hình thức, chưa gắn kết với yêu cầu chỉ đạo, điều hành và chưa loại bỏ được những mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình thẩm định. Nhiều địa phương vẫn còn trường hợp văn bản chưa thẩm định đã trình Ủy ban nhân dân ban hành.
Liên quan đến chương trình xây dựng luật, ông Liên cũng cho biết thêm, hầu hết các bộ ngành và địa phương đã hoàn thành việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và đã gửi báo cáo về Bộ. Đây cũng sẽ là công việc được ưu tiên làm trong năm 2012. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Hiến pháp với trọng tâm là mô hình tổng thể bộ máy nhà nước, chế định phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tháng 1/2012 phải gấp rút hoàn thiện việc tổng kết thi hành Hiến pháp, mạnh dạn đề xuất các sửa đổi. Sau đó, ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp sẽ tổ chức ba cuộc hội thảo tại ba miền lấy ý kiến các chuyên gia để có một bản đề xuất sửa đổi khoa học, sinh động, có giá trị bền vững lâu dài.
"Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một việc nóng bỏng mà Chính phủ đang mong chờ, đề nghị các các ngành phải làm tích cực", ông Phúc nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan tư pháp đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, tham mưu xây dựng các văn bản phục vụ yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Lê Nhung - vietnamnet.vn