Theo tin từ Hiệp hội thủy sản (VASEP), việc cảnh báo này có thể sẽ dẫn đến Nhật Bản nâng cao mức kiểm soát đối với sản phẩm tôm từ Việt Nam, và có nguy cơ tăng mức kiểm soát lên 100%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất khẩu sản phẩm tôm nói riêng và sản phẩm thủy sản nói chung từ Việt Nam.
Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác thương mại thủy sản lớn của Việt Nam bởi riêng sản phẩm tôm, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 190.000 – 200.000 tấn, và Việt Nam đã & đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này (39.000 – 43.000 tấn/năm, chiếm khoảng 21% tổng lượng tôm Nhật Bản nhập khẩu).
Trước đó, ngày 17/9/2010 VASEP đã gửi công văn tới Bộ NN& PTNT thông báo và đề nghị Bộ xem xét và sớm có các biện pháp hỗ trợ Doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi trong kiểm soát dư lượng Trifluralin trong sản phẩm tôm nuôi nói riêng và thủy sản nuôi nói chung.
Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2010 Bộ vẫn chưa có công văn chỉ đạo đối với vấn đề này, vì vậy ngày 07/10/2010, VASEP gửi công văn lần 2 (công văn số 146/CV-VASEP) tới Bộ đề nghị Bộ trưởng có văn bản chỉ đạo các cấp tăng cường kiểm tra việc mua bán và sử dụng chất này như là biện pháp cần thiết và cũng là chứng cứ mạnh mẽ cho các bạn hàng Nhật Bản thấy được nỗ lực, cam kết của Chính phủ và ngành thủy sản Việt Nam trong việc kiểm soát Trifluralin và vấn đề ATTP thủy sản nói chung.
Việc sử dụng Trifluralin - hoạt chất nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ) đang có trong thành phần của nhiều sản phẩm thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản Việt Nam dùng để diệt nấm, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Một số sản phẩm chứa hoạt chất này nằm trong danh mục được nhập khẩu có điều kiện của Việt Nam và không có tên trong các danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh và thú y thủy sản ban hành kèm theo Thông tư 15/2009/TT-BNN của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 17/3/2009.
K.Huyền
Theo VASEP