Dưới ánh sáng của những luận giải vật lý học, TS Vũ Văn Bằng đã lần lượt giải thích những hiện tượng mang tính chất tâm linh dưới cơ sở khoa học. Quan trọng nhất là ông đã tìm thấy nước ngầm ở những vùng mà hầu hết các chuyên gia khẳng định là không có mạch nước nào. Việc này có rất nhiều người chứng kiến và khẳng định nhiều lần. Vấn đề đặt ra là, làm sao nâng tầm đề tài khoa học này để nó có thể áp dụng đại trà trong thực tế.
Bài 2: Tia đất và những ứng dụng bất ngờ
Hành trình tìm nước ngầm
Chuyện TS Bằng nổi tiếng bằng phương thức tìm mộ “có một không hai” dù sao cũng ẩn chứa những yếu tố tâm linh. Thế nhưng, việc tìm ra hàng loạt mạch nước ngầm trên những địa bàn “xương xẩu” một lần nữa khẳng định lý thuyết của ông là đúng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, TS Bằng là một nhà khoa học “xịn”, được đào tạo bài bản hẳn hoi. Hiện nay, TS Bằng giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) và Phó giám đốc Công ty CP Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe.
Bằng phương pháp khảo sát thăm dò đo địa bức xạ TS Bằng cùng Công ty CP Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe đã phát hiện những túi nước lớn trong đá phun trào Ryolit – một loại tầng địa chất vô cùng nghèo nước ở KCN Hòn La, Quảng Bình. KCN Hòn La là một trong 2 khu công nghiệp lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, diện tích lên đến 228ha, thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Quá trình triển khai xây dựng bất cứ KCN nào, vấn đề cung cấp nước cho mọi hoạt động, sinh hoạt của công nhân tham gia lao động sản xuất là vấn đề vô cùng bức thiết. Tuy nhiên đối với KCN Cảng biển Hòn La này thì vấn đề nước càng trở nên bức thiết hơn vì trong khu vực không có sông suối hoặc bất cứ nguồn nước mặt nào khác.
Qua khảo sát dự án, nước ngầm chỉ tồn tại ở các cồn cát ven biển. Tuy nhiên, lượng nước nhỏ giọt không thể cáng đáng cho cả KCN rộng lớn. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Bình có phương án lấy nước mặt từ sông Thai cách xa trên 10km, nhưng chưa biết đến khi nào phương án mới được thực thi. Trong khi đó, theo đúng kế hoạch, các nhà máy đã đi vào xây dựng. Vấn đề nguồn nước càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Vào đúng thời điểm đó, TS Bằng có chuyến công tác vào Quảng Bình. UBND tỉnh Quảng Bình “liều lĩnh” mời ông đến hỏi ý kiến. Ngay lập tức, TS Bằng đưa ra giải pháp, đó là sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy vẫn còn bán tín bán nghi nhưng tỉnh vẫn đồng ý thử phương án của ông. Thế là TS Bằng lập tức bắt tay vào khảo sát đo đạc bằng cỗ máy “dị biệt” của mình. Sau gần một tháng, ông đã chỉ ra những vị trí có nước ngầm. Không những thế ông còn “vẽ” được cả bức tranh về nước dưới đất trong KCN chỉ rõ nên khoan ở đâu có nước nhiều nhất.
Một đội khoan hỗn hợp của tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khoan dưới sự chỉ dẫn của TS Bằng. Kết quả ngoài sự mong đợi. Ngày 22/10/2008 các bên liên quan đã tiến hành nghiệm thu trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của mọi người: 1 trong 2 giếng khoan đã đem đến nguồn nước lớn gấp 2,8 lần yêu cầu đề ra, tức là công xuất 35m3/giờ, bằng 840m3/ngày đêm.
Quá bất ngờ trước kết quả khoan được, một quan chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình trong buổi nghiệm thu nói: “Trong tỉnh nhà từ trước tới nay tôi chưa từng được chứng kiến một giếng khoan nào nhiều nước đến như vậy”.
Một minh chứng nữa cho khả năng “nhìn xuyên đất” của chiếc máy BXT-09 là việc vẽ bản đồ địa chất cho lòng hồ Thủy điện Nậm Pàn (Sơn La).
Thời điểm ấy, công trình Thủy điện Nậm Pàn (Sơn La) đang trong giai đoạn khảo sát thiết kế. Nền móng công trình này là vấn đề đang được các nhà thiết kế quan tâm hàng đầu. Là bởi, hồ chứa nằm trong một thung lũng đá vôi tiềm ẩn nhiều rủi ro hang động và các dòng chảy ngầm gây ra. Chúng sẽ tạo ra những đợt đứt gãy kiến tạo, nếu không phát hiện ra và khắc phục. Trong khi đó, khả năng phát hiện các dị thường địa chất này bằng các phương pháp hiện đại trên thế giới cũng như trong nước đang sử dụng là phương pháp địa vật lý, radar xuyên đất, giải đoán ảnh viễn thám… không đáp ứng được. Nói thẳng ra, những phương pháp ấy không có tác dụng vì địa hình ở đây rất phức tạp.
Sau khi tìm hiểu và so sánh, chủ đầu tư đã mạnh dạn đưa phương pháp địa bức xạ (đo tia đất) vào khảo sát địa chất công trình, thủy văn nền và lòng hồ. Đây là công trình đầu tiên mà phương pháp địa bức xạ tham gia với tư cách là phương pháp chủ đạo.
Thật bất ngờ, trong một khoảng thời gian không dài, toàn bộ hang động ngầm, đứt gãy kiến tạo và các dòng chảy ngầm đã và đang tồn tại trong nền lòng hồ được phát hiện bởi phương pháp địa bức xạ. Chúng gồm 29 dòng ngầm vách núi và thung lũng, 20 hang ngầm và 3 nhánh đứt gẫy kiến tạo. Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên trên thế giới và trong nước các chuyên gia địa bức xạ trong một thời gian ngắn kỷ lục, bằng máy tự chế đã vẽ được bức tranh toàn cảnh về sự hiện diện của những đối tượng nguy hiểm (hang, đứt gãy, dòng ngầm…) nằm khuất dưới mặt đất. Đặc biệt, bức tranh đã lột tả được mối liên quan chằng chịt giữa những yếu tố ấy. Nhiều trường hợp ngược hẳn với lý thuyết địa chất đã học được ở trong trường.
Để tiến gần hơn nữa trong quá trình chứng minh độ chính xác của phương pháp này, TS Bằng đã tiến hành kiểm chứng thực tế. Công việc kiểm chứng được thực hiện bằng phương pháp khoan. Các đối tượng hang, đứt gãy, dòng ngầm có độ nguy hiểm nhất cho nền lòng hồ đều được khoan kiểm chứng ở một vị trí chọn ngẫu nhiên. Thật bất ngờ, kết quả ở tất cả các điểm khoan trùng khớp với dự báo của phương pháp địa bức xạ.
Ở dự án khoan nước ngầm cấp cho thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước đảm nhiệm và đang khoan với kinh phí Nhà nước cấp. Theo đề cương kỹ thuật tại đây sẽ khoan 7 điểm khoan, mỗi giếng khoan sâu tới 160m. Vị trí các giếng khoan được quyết định trên cơ sở đo địa vật lý (phương pháp điện) và do hội đồng kỹ thuật của Liên đoàn Xét duyệt có tham vấn của các giáo sư Trường đại học Mỏ Địa chất. Nhưng khi khoan đến trên 100m không thấy có nước.
Tháng 10/2009, Liên đoàn có mời TS Bằng lên Mèo Vạc dùng phương pháp địa bức xạ kiểm tra giúp xem giếng khoan đang khoan có nước hay không. Chỉ sau vài phút đo đạc TS Bằng trả lời ngay rằng, giếng khoan này không có nước. Tuy nhiên, để yên tâm, chủ dự án vẫn quyết định cho khoan tiếp. Quả nhiên, khoan đến sát nút chiều sâu thiết kế 160m/155m giếng khoan vẫn không hề có một giọt nước.
Tương tự như vậy, ở Côn Đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu quả quyết: “Côn Đảo không có nước ngầm”. Thời điểm ấy, nhóm nghiên cứu của TS Bằng đến Côn Đảo khảo sát đo đạc bằng phương pháp địa bức xạ xác định được ở trung tâm thị trấn Côn Sơn có tới 7 vị trí có nước ngầm với lưu lượng không nhỏ. Theo TS Bằng cho biết, nước ngầm ở đây trữ lượng dự kiến có thể đạt trên 5.000m3/ngày đêm.
Kết quả, sau đúng 1 tuần lễ khảo sát đo đạc bằng phương pháp địa bức xạ và 15 ngày tiến hành khoan 1 mũi khoan kiểm chứng sâu 75,7m ngày 19/7/2011, nước từ sâu trong đá gốc phun trào Gabro đã phun lên mặt đất trước sự mừng rỡ của chính quyền và người dân Côn Đảo.
Bất ngờ tia đất
Tại Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, nhân viên làm việc ở đây luôn có hiện tượng mỏi mệt, bất an. Thậm chí, có người đã đi gặp thầy cúng để giải hạn. TS Bằng đến đo và nhận thấy có tác động của tia đất, do dưới nền đất nằm trong khuôn viên Sở có khá nhiều mồ mả, hài cốt. Sau khi dùng than hoạt tính để khử từ, mọi người trong văn phòng Sở không còn cảm thấy mệt mỏi nữa. Hay như chính nội tộc nhà TS Bằng ở Đại Mỗ (Hà Nội), có người trong nhà hay ốm đau kéo dài mà đi khám không tìm ra nguyên nhân. Tôi mang máy về đo và phát hiện trong nền nhà có hài cốt liền dùng than hoạt tính khử từ và mọi người từ đó hết ốm đau.
TS Bằng đã thử và thấy rằng ở trên tầng cao của chung cư, “tia đất” vẫn tác động. Thậm chí nhiều vật liệu xây dựng hiện nay cũng phát ra “tia đất” rất mạnh như đá granite, gạch men, thép sản xuất… Ngay cả những đường ống dẫn nước lên các tầng cao của các căn hộ chung cư cũng có khả năng phát ra “tia đất” ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì vậy phải tính toán vị trí lắp đặt cho phù hợp.
Ở các nước như Đức, Ba Lan, Áo, Anh, Pháp, Mỹ… các bác sĩ là người đi tiên phong trong lĩnh vực dò tìm “tia đất” để di chuyển bệnh viện hoặc giường bệnh cho bệnh nhân đến vị trí không có “tia đất” xấu. Đây được coi là phương pháp phòng và chữa bệnh đầu tiên phải nghĩ đến của các bác sĩ trước khi khám và can thiệp bằng thuốc. Nước Đức đã có luật, khi bán đất hay nhà ở cho người khác trong thủ tục chuyển nhượng phải kèm theo chứng nhận ở đó không có “tia đất” độc hại. Trong điều kiện quỹ đất ngày càng eo hẹp hiện nay, nếu không thể chọn được mảnh đất tốt, khi xây nhà cần phải áp dụng các biện pháp để khử “tia đất” xấu.
Điều đặc biệt, sau khi hoàn thiện lý thuyết về tia đất, TS Vũ Văn Bằng đã giải thích nhiều hiện tượng tưởng như huyền bí tâm linh dẫn đến mê tín dưới ánh sáng của khoa học của vật lý lý thuyết, như: dớp, gọi hồn, lên đồng, ma nhập, linh hồn, thế giới bên kia, ngoại cảm…
Nói về tai nạn tại những điểm đen giao thông mà chúng ta hay gọi nôm na là “dớp”. Thực tế, trên nhiều tuyến đường ở Việt Nam, đặc biệt QL1A, chúng ta hay bắt gặp biển cảnh báo cố định: “Chú ý, đoạn đường thường xảy ra tai nạn dài….km. Một trong những đoạn đường như thế một thời được nhắc đến nhiều là Pháp Vân Cầu Giẽ. Qua một thời gian khảo sát, TS Bằng khẳng định nguyên nhân gây ra đểm đen giao thông tại đây chính là do tia đất. TS Bằng khẳng định: “dớp” không phải ma làm.
Việc này được TS Bằng giải thích chi tiết bằng những luận cứ khoa học rất rõ ràng. Theo ông thì vật chất cấu tạo nên con người đều do các phân tử cấu thành. Phân tử lại do nguyên tử hợp thành, nguyên tử lại do hạt nhân và các electron cấu thành. Trong đó electron luôn không ngừng tự quay và quay xung quanh hạt nhân. Hai loại chuyển động này của electron đều sinh ra từ tính. Tuy nhiên, hướng chuyển động của các electron không trùng nhau nên hiệu ứng từ tính trong vật chất cấu tạo nên con người triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy, ở trạng thái bình thường, đa số con người không thể hiện từ tính, tức là có độ từ thẩm nhỏ hơn 1, gọi là nghịch từ… Tuy nhiên cũng không ít người thuộc loại thuận từ, tức là có độ thẩm từ lớn hơn 1. Cơ thể những người này như thỏi nam châm, có thể hút được thìa dĩa, xoong, chảo.
Những người này khi đi vào vùng từ trường mạnh của tia đất sẽ trở thành nam châm. Đặc biệt, hệ thần kinh của họ bị từ hóa mạnh nhất do tốc độ vận hành lớn và khi bị từ hóa sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng trong não bộ. Như vậy, trong tích tắc, tư duy của con người sẽ chuyển từ trạng thái ý thức sang trạng thái vô thức và không chủ động điều khiển được tay lái. Họ bị tai nạn trong những tích tắc như vậy.
Cần nghiên cứu áp dụng rộng rãi trong thực tế
Nói về phát hiện và ứng dụng của tia đất, TS Nguyễn Văn Túc – Viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường – một chuyên gia đầu ngành về địa chất thủy văn đã nhìn nhận bằng những cơ sở khoa học tương đối rõ ràng. TS Túc cho biết: “Phương pháp địa bức xạ và phương pháp địa vật lý truyền thống tuy có cùng mục đích là tìm các đối tượng dưới mặt đất như: các tầng đất đá, cấu trúc địa chất, các đứt gãy phá hủy kiến tạo, các vỉa hoặc ổ quặng, các bồn chứa dầu mỏ và khí đốt, nước ngầm, hang động ngầm, nứt đất, nứt thân đê đập, hệ thống các đường ống hạ tầng kỹ thuật chôn ngầm, sâu trong lòng đất… kể cả mồ mả hài cốt. Nhưng về mặt nguyên lý hoàn toàn khác nhau. Phương pháp địa vật lý dựa vào sự khác biệt về tính chất vật lý của các đối tượng cần nghiên cứu với môi trường đất đá bao quanh như tính dẫn điện (điện trở suất, độ điện thẩm, độ phân cực, trường điện tự nhiên cục bộ…), tính chất từ (độ từ thẩm), tính phóng xạ, tính đàn hồi, tính nhiệt, tỉ trọng (trọng trường), áp suất… Phương pháp địa bức xạ dựa trên nguyên lý cơ bản là bức xạ trường điện từ thứ cấp – đặc thù riêng của mọi vật thể chỉ khi vận động hoặc tiếp xúc với hiệu ứng tích cực mới có”.
Theo TS Túc thì đến nay, dù phương pháp địa bức xạ còn đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh, nhưng đã phát huy được tác dụng. So với các phương pháp địa vật lý truyền thống, thì phương pháp địa bức xạ thể hiện được tính ưu việt vượt trội về mọi khía cạnh.
Tuy nhiên, nói cho cùng, công trình nghiên cứu về tia đất của TS Vũ Văn Bằng mới chỉ mang tính chất cá nhân. Ứng dụng của nó cũng chỉ khoanh gọn trong tầm hoạt động của Công ty CP Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe mà thôi. Chúng tôi cho rằng, với công trình này rất cần sự tham gia thẩm định nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành để khẳng định và phát huy triệt để những tác dụng vô cùng ý nghĩa mà TS Bằng đã dày công nghiên cứu.
Qua nhiều năm nghiên cứu ứng dụng tia đất trong thực tế, TS Vũ Văn Bằng và Công ty CP Nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe làm được khối lượng công việc không nhỏ. 1. Tìm được 5 ngôi mộ tập thể liệt sĩ thất lạc. 2. Tìm mồ mả hài cốt thất lạc (mất nấm, dấu vết…) cho trên 200 gia đình 3. Phát hiện mồ mả hài cốt để di dời làm sạch môi trường đất cho trên 50 trụ sở cơ quan, khu đô thị, khu công nghiệp, dự án khu kinh tế xây dựng mới. 4. Phát hiện và xử lý bức xạ có hại từ mồ mả hài cốt còn sót dưới nền nhà của trên 3.000 gia đình đang ở trên hầu khắp cả nước. 5. Phát hiện và xử lý bức xạ có hại từ mồ mả hài cốt cho 3 công trường đang thi công phải ngừng hoạt động do máy móc bị tê liệt bởi trường vong. 6. Phát hiện vị trí tìm người bị nạn trong vụ tai nạn ôtô trôi trên sông Lam (Hà Tĩnh) tháng 10/2010 và tìm được người lái xe và sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An), tháng 3/2011. |
Phóng sự của Vũ Minh Tiến
(Năng lượng Mới số 137, ra thứ Sáu ngày 13/7/2012)