(DĐDN) - Sau hơn 9 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ -TTg về việc phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, đến nay, mới chỉ có 2 làng nghề trong tổng số 15 làng nghề thuộc Nghị định 64 xử lý triệt để ô nhiễm...
Hai làng nghề được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để, đó là làng nghề xã Đông Hưng (Đông Sơn, Thanh Hóa) và làng nghề tinh lọc bột sắn xã Thúy Dương (Thừa Thiên - Huế). Hai làng nghề đã cơ bản ngừng hoạt động không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là làng nghề giết mổ gia súc, gia cầm huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và làng nghề thuộc da Liêu Xá (Hưng Yên).
Một số làng nghề đã ngừng hoạt động hoặc đang lập phương án chuyển đổi ngành nghề sản xuất như làng nghề sản xuất vôi hàu huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một số đã và đang xây dựng đề án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường như: làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm và làng nghề nấu rượu truyền thống Làng Vân (Bắc Giang); làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (Bắc Ninh); làng nghề Nha Xá (Hà Nam). Nhiều làng nghề đã tổ chức quy hoạch cụm làng nghề tập trung để di dời hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào cụm làng nghề tập trung sau khi được xây dựng xong như: Làng nghề tái chế đồng chì kẽm, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm và Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, huyện Minh Khai, tỉnh Hưng Yên; Làng nghề dệt nhuộm Thái Phương, huyện Hưng Hà và Làng nghề tơ tằm Phúc Khánh, tỉnh Thái Bình; làng nghề đúc đồng, Phường Đúc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. |
Hiện nay, Bộ TN-MT đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được rà soát bổ sung đến năm 2015, đồng thời, chấm dứt tình trạng phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm trên phạm vi cả nước không còn cơ sở thuộc khu vực công ích gây ô nhiễm.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, cần đưa chỉ tiêu “giảm tỉ lệ phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đánh giá chất lượng của sự phát triển kinh tế - xã hội của Bộ, ngành, địa phương. Đưa nội dung xử lý dứt điểm các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 vào Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Một khó khăn nữa là việc đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tuy đã được thực hiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số địa phương thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay.
Mặt khác, các làng nghề do UBND cấp huyện, thậm chí ở cấp xã trực tiếp quản lý, hạn chế về nguồn lực đầu tư để di dời địa điểm, thay đổi công nghệ sản xuất, đặc biệt chính quyền tại một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, còn lúng túng, không nhất quán, thiếu chủ động, tích cực chỉ đạo triển khai xử lý ô nhiễm của các làng nghề. Công tác quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân không ủng hộ việc di dời đến vị trí quy hoạch mới.